2015년 12월 8일 화요일

Đừng tranh chỗ sáng!

<Khẳng định chính mình - Lưu Dung>

Mấy người bạn Trung Quốc mời con đến dạy đàn cho con cái họ. Và dường như là một thói quen, con đột nhiên đưa ra một ý tưởng, dự định in các tờ rơi, đem dán vào các tấm kính chắn gió ở các nhà ga, bãi đỗ xe. 
“Chưa biết chừng sẽ có bao nhiêu nguời đến xếp hàng xin học ấy chứ!” – Con hào hứng nói. 
“Ba phản đối!” 
“Tại sao ạ?” – Con đầy vẻ ngạc nhiên – “Chẳng phải từ lâu ba đã muốn con đi làm kiếm thêm tiền sao?” 
Ba không trực tiếp trả lời câu hỏi của con, ba chỉ đưa ra một ví dụ: 
Học trò của ba là Vương Hy, vừa mới thôi việc đưa cơm cho một hàng ăn. Đó vốn là một công việc cũng kiếm khá nhiều tiền, chỉ cần đạp xe qua mấy phố, đưa cơm cho khách hàng, thế là cũng kiếm được vài đồng tiền khách thưởng. Cứ như vậy, số tiền kiếm được cao gấp mấy lần tiền học bổng trong trường. 
Vậy tại sao anh ta lại không làm? 
Vì anh ta nhận thấy việc này rất dễ gặp nguy hiểm. Đã có nhiều nguời bạn cũng làm công việc đưa cơm như vậy. Khi đến nơi, họ chỉ thấy một căn phòng thật lạnh lẽo, rồi bỗng nhiên một con dao dí sát vào cổ, không những bị cướp mất cơm, vơ vét sạch tiền của, mà còn suýt nữa thì mất mạng. 
“Chúng ta ở chỗ sáng, còn đối phương ở chỗ tối, tất nhiên là mình không thể phòng vệ được rồi” – Vương Hy nói. 
“Con ở chỗ sáng, còn nguời ta nấp trong bóng tối” – đó chính là nguyên nhân khiến ba phản đối việc con phát các tờ rơi. Trên tờ rơi đó, nguời khác biết được con là học sinh của Viện âm nhạc Joliet, họ sẽ đoán được tuổi tác, trình độ, kiến thức của con, và số điện thoại sẽ giúp họ biết được địa chỉ của con, thông tin về con cơ bản đều lộ rõ. 
Còn đối phương thì sao? 
Con chẳng biết một chút gì về họ cả! 
Và khi con nhận lời đến chỗ hẹn, liệu có thể xảy ra trường hợp tương tự như việc đưa cơm hộp không? 
Cũng có thể sự việc diễn ra còn nghiêm trọng hơn! 
Ba còn nhớ có lần tuyết rơi rất nhiều, anh bưu tá đưa thư bảo đảm đến, ba mời anh ta vào nhà để ký, anh ta hơi do dự rồi đi vào. Anh ta vừa cười vừa nói, may là nguời quen, chứ không thì anh ta tuyệt đối không dám vào. Vì trước đây có một cậu bưu tá trẻ được một phụ nữ mời vào nhà, nguời phụ nữ đó tự lột hết quần áo của mình ra, và nói: “Anh hãy ngoan ngoãn nghe lời tôi, hay là để tôi hô hoán lên là tôi bị cưỡng hiếp?” 
Trước khi ra về, anh bưu tá chau mày nói: “Trên thế gian này việc gì cũng có thể xảy ra, mình cẩn thận một chút vẫn hơn!”, và nói thêm: “Khi kẻ lạ ra về, tốt nhất là mình hãy đóng cửa lại, vì có một số kẻ xấu thường đến thám thính trước, khi ra đến cửa liền bí mật nhét mẩu giấy vo tròn vào lỗ khóa, trông có vẻ như cửa đã được khóa kỹ càng rồi, nhưng thực ra vẫn chưa khóa. Hơn nữa, kẻ xấu đó đã nắm chắc tình hình trong nhà rồi, đến khi chúng quay lại cướp, mình khó mà có thể phòng bị được!” 
Còn một điều nữa con cũng nên biết, đó là phòng vệ với những kẻ đồng tính luyến ái. 
Trong thời đại ngày nay, tuy chúng ta không thể nói đồng tính luyến ái là phạm pháp, nhưng chí ít chúng ta cũng phải tự phòng vệ, tránh bị lôi kéo rủ rê. 
Khi học cấp hai, ba đã từng làm quen với một nguời. Người này giảng giải cho ba về nội dung sách vở như một nguời thầy mẫu mực, rồi còn mời ba ăn, nhưng dần dần khi thân quen rồi, hắn lại có những hành động kì quái. 
Một đồng nghiệp của ba cũng có nhắc đến trường hợp hồi học trung học của mình. Có lần anh ta đang đứng đọc báo tại quầy công cộng bên ngoài công viên, một cậu thanh niên khoảng hơn hai mươi tuổi vừa đi vừa quay dây chìa khóa, tiến sát gần anh ta, cố ý lấy chìa khóa để va chạm và trêu chọc anh ta. 
Sau này khi đọc bài nghiên cứu về đồng tính luyến ái, ba mới biết được: Đồng tính luyến ái thường có mắc do bị xui khiến, có nghĩa là do dụ dỗ mà trở thành kẻ đồng tính. Dễ bị sa ngã nhất chính là những thiếu niên chưa có kinh nghiệm trong tình yêu nam nữ. 
Một cậu con trai ngờ nghệch ngây thơ như con chính là mục tiêu lý tưởng của chúng! 
Thời đại khác, hoàn cảnh cũng khác. Trước đây khi lái xe trên đường, trông thấy bên đường có nguời vẫy xe đi nhờ, họ liền dừng xe lại chờ nguời ta lên, và đó là điều đương nhiên. Còn ngày nay, ở một số bang đã ra lệnh cấm, vì có quá nhiều đạo tặc. Thậm chí chúng nấp ở một bên, rồi cho một cô gái trẻ đẹp ra vẫy xe, chỉ cần mình mới mở cửa xe thì chúng đã dí súng ngay sau gáy mình rồi. 
Trước đây con có thể gọi taxi ở một góc phố vắng vẻ cũng được, nhưng bây giờ dù con có gọi xe đến nhà đi chăng nữa thì đối phương vẫn yêu cầu con phải để lại số điện thoại để họ gọi lại kiểm tra rồi mới cho xe đến. 
Một anh lái xe nói rất hay: 
“Khách đi xe luôn luôn đề phòng cảnh giác chúng ta, nhưng họ đâu biết rằng chúng tôi cũng đang cảnh giác họ. Đêm hôm khuya khoắt, nếu có mấy nguời đàn ông vẫy xe thì chúng tôi không dám dừng lại. Chẳng có cách nào khác, vì hai bên đều không biết chút gì về nhau mà!” 
“Biết mình biết nguời, trăm trận trăm thắng”. “Binh pháp Tôn Tử” hơn hai nghìn năm trước chẳng phải đã dạy chúng ta rồi sao? 
Vì thế con muốn kiếm tiền, được thôi! Nhưng con tuyệt đối phải biết rõ đối phương trước, không được sơ suất đứng tranh chỗ sáng!

Bạn thật, bạn giả

<Khẳng định chính mình - Lưu Dung>

Truyện kể rằng Quản ninh và Hoa Hâm vốn là bạn thân của nhau, một hôm hai nguời cùng ngồi học chung một chiếc chiếu. Nghe thấy bên ngoài huyên náo, Hoa Hâm vội vàng chạy ra xem, đến khi quay lại, thấy Quản Ninh đã cắt chiếc chiếu đó ra làm đôi, và nói với Hoa Hâm: “Cậu không còn là bạn của tôi nữa!”
Ba hỏi con, Quản Ninh va Hoa Hâm có thực sự là bạn thân của nhau không?
“Không phải!”
Con nói đúng! Chỉ vì một sự việc cỏn con mà cắt đứt tình bạn, thì làm sao có thể gọi là bạn được? Bạn bè mà không chân thành, không những không giúp bạn thay đổi mà lại bỏ bạn, thì quả thực không xứng đáng!
Nói đến đây, chúng ta không thể không khâm phục Bào Thúc Nha! Khi đánh giặc, Quản Trọng nấp phía sau, Bào Thúc Nha biện minh hộ là do nhà Quản Trọng còn có mẹ già, nên không thể không sợ chết. Khi làm ăn buôn bán, Quản Trọng giành tiền nhiều hơn, Bào Thúc Nha cũng rộng lòng không chấp trách, nói do nhà nghèo. Và khi Tề Hoàn Công muốn giết Quản Trọng, thì Bào Thúc Nha càng ra sức bênh vực cho Quản Trọng.
Quản Trọng trở thành một vĩ nhân trong lịch sử, vậy ai đã giúp Quản Trọng thành công?
Chính là Bào Thúc Nha!
Trong tình bạn, cái quan trọng nhất là lượng thứ cho nhau, là đáp lại nhau bằng tấm lòng, chứ không phải yêu cầu bạn bè phải đáp trả lại những gì mình đã bỏ ra.
Một cô gái khi buộc lòng phải chia tay nguời bạn trai của mình, cô nói với bạn trong nước mắt: “Cầu xin anh hãy quên em đi, đừng nhớ đến em làm gì. Nếu biết anh vẫn luôn nhớ tới em, trái tim em sẽ tan nát mất!”
Khi cô bạn gái giận dữ bỏ đi, mặc dù chàng trai biết rõ là cô gái đó sai, nhưng vẫn đi tìm khắp nơi: “Sau khi nguôi giận, cũng có thể cô ấy sẽ hối hận, nhưng vì giữ thể diện trước mặt các chị em khác, nên ngại không quay lại, vì vậy tôi đã tìm cô ấy để xin lỗi trước!”
Nghe xong những câu chuyện này, con có suy nghĩ gì? Tình bạn giữa con và Thomas là tình bạn “Quản – Bào” hay chỉ là tình bạn “Quản – Hoa?”
Con hãy nhớ, trên thế giới này không thể có tình bạn nào không xảy ra tranh cãi. Nếu tranh cãi với tinh thần xây dựng thì hai bên sẽ càng hiểu nhau và tình bạn càng thêm trong sáng. Những nguời bạn thực sự thì không nhất thiết cứ phải là nguời có lỗi phải bắt tay dàn hòa trước.
Khi người bạn không có lỗi bắt tay dàn hòa với người mắc lỗi, thì nguời bạn mắc lỗi đó nắm tay càng chặt hơn. Có sự quý trọng thì càng có sự cảm kích

Tự thỏa hiệp

<Khẳng định bản thân - Lưu Dung>

...
Nhớ lúc còn nhỏ, ba rất thích ăn sôcôla, mỗi lần ông nội mua sôcôla về đều nói với ba rằng: “Sôcôla đắt lắm. Con phải chia ra ăn từ từ, đừng ăn hết một lúc nhé”. Khổ nỗi sôcôla lúc đó không giống như những thanh sôcôla chia thành từng ô, từng ô như bây giờ. Ba đành phải cắn vào những chỗ lồi ra, ăn trước những chỗ có góc nhọn. Nhưng cắn đi cắn lại vẫn có những chỗ lồi ra lõm vào không đều, ba vẫn tiếp tục cắn, dù biết rằng đã ăn không ít, nhưng vì cứ nghĩ rằng: “Ăn nốt miếng này rồi thôi” nên cứ tiếp tục. Cuối cùng mặt mũi dính đầy sôcôla, trên tay chỉ còn lại một mẩu bé tí như cục đường, ba tặc lưỡi ăn nốt miếng còn lại. Nếu không phải là thanh sôcôla mà là tiền thì có phải ba đã thực sự không biết kiềm chế rồi không, từng bước thỏa hiệp với bản thân, cuối cùng trở thành kẻ trắng tay, tán gia bại sản. Từ đó có thể thấy, “tự mình thỏa hiệp” thực ra là thiên tính của loài nguời. Tuy nhiên, con cũng nên biết, nếu không thể chiến thắng thiên tính, con nguời ta thật khó đạt được những thành tích hơn nguời.
Ba thường nói: “Một người đàn ông không biết lúc nào cần phải dứt ra khỏi người phụ nữ. Một người phụ nữ không biết lúc nào phải dứt ra khỏi con cái. Họ sẽ không bao giờ thành đạt!” Vấn đề là: Yêu người khác giới, yêu thương con cái không phải là thiên tính của con người hay sao? Lẽ nào muốn thành công thì phải quay lưng lại với những thiên tính ấy?
Hãy để ba nói tiếp: Con còn nhớ ngày trước bên ngoài cửa sổ phòng ngủ của ba thường đặt một cái máng đựng thức ăn cho chim không? Mỗi lần xuân về, ba thường nấp vào cửa sổ, lén quan sát lũ chim mẹ mớm mồi cho chim con. Chim sẻ thường rất nhiều con, xếp hàng bốn năm con chim non, lông vũ sổ tung, đứng chen chúc nhau. Mỗi lần chim mẹ tha mồi về là lũ chim con cứ khua khua đôi cánh, miệng há to phát ra những tiếng kêu chiêm chiếp. Lúc đầu, chim mẹ bao giờ cũng đến bên máng thức ăn, ăn tiểu mạch rồi xà xuống đất, sau đó mới bay đến bên lũ chim non. Nhưng rồi dần dần số lần chim mẹ mớm mồi cho con thưa dần, một số con tiến gần đến chim bố mẹ, chim bố mẹ mới miễn cưỡng mớm cho chim con mà thôi.
Nhưng qua thêm một thời gian thì tình hình không giống thế nữa, chim bố mẹ không những không mớm mồi nữa mà còn trốn lũ chim con, thậm chí chúng còn tấn công để không cho lũ chim con tiến gần lại mình. Ba tự hỏi, phải chăng dứt lũ con ra khỏi bản thân mình cũng là một thiên tính, bởi vì nếu không làm như vậy thì bố mẹ không thể thành công mà con cái cũng khó lòng độc lập được. Nói đi nói lại, đến loài chim còn biết kiềm chế bản thân, dừng lại đúng lúc cần thiết để có được những cái lớn hơn. Vậy chúng ta là con nguời, lẽ nào lại không thể làm được như thế? Hãy nhớ, ném thêm một quả bóng, ăn thêm một miếng, chơi thêm một ván bài, ngủ thêm một phút thoạt nghe tưởng như đó là những việc nhỏ nhặt, nhưng những con “vi trùng” trong cái thói “tự thỏa hiệp” đó có thể xâm nhập vào tận xương tủy, khiến con suốt đời không đứng được thẳng.